Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, February 27, 2015

Tiền mừng tuổi

Lâu nay mẹ của bạn Bôn Ba Nhi Bá đã bắt đầu sai bạn ấy đi ra hàng tạp hóa đầu ngõ mua cái nọ cái kia để tập cho bạn ấy biết mua bán. Bạn ấy phải học tính xem cầm đi bao nhiêu tiền, mua hết bao nhiêu và còn thừa bao nhiêu…

Bôn Ba Nhi Bá giống y ba bạn ấy hồi bé, rất ngoan, nhờ mua cái gì thừa bao nhiêu tiền đều mang về trả lại. Ba bạn ấy được cho tiền đi chơi không tiêu hết còn mang về trả cho mẹ, vì thương mẹ nghèo khâu áo len thâu đêm kiếm tiền sau giờ soạn giáo án. Nhìn chung nhà có truyền thống không biết tiêu tiền.

Trẻ con đến Tết năm nào chẳng được mừng tuổi, chỉ có nhà cháu nào nghèo quá không có quan hệ với ai mới không có mà thôi. Đến năm nay con trai hơn mười tuổi rồi vẫn không quan tâm gì đến tiền mừng tuổi – nữa là em gái nó còn bé hơn mấy tuổi nữa. Bao nhiêu tiền mừng tuổi, hai anh em đưa hết cho mẹ, để mẹ cất. Anh Bôn Ba Nhi Bá gần Tết về nói với mẹ, là ở trường có phong trào ủng hộ tiền mừng tuổi nuôi con lợn đất, để sang năm đi giúp đỡ các bạn nghèo… Mẹ đồng ý cho bạn ấy dùng tiền mừng tuổi của mẹ để ủng hộ, vậy thôi. Còn thì thậm chí các bạn ấy hoàn toàn chẳng để ý xem được mừng tuổi bao nhiêu tiền nữa kia.

Mùng Hai Tết, cả nhà về quê bà ngoại, hai bạn vui nổ trời chơi với các anh chị họ ở quê. Tối về vẫn nhộn nhạo kể chuyện, và còn khoe các bà, các bác ở quê cũng mừng tuổi chúng con đấy. Mình hỏi bạn Nhi Bá: “Con có để ý các bà ở quê mừng tuổi con như thế nào không?” “Không có bao lì xì màu đỏ ba ạ. Các bà toàn đưa tiền cho con thôi.” “Tiền như thế nào con?” “Tiền cũ ba ạ.” “Con có để ý nhiều hay ít không?” “Không ba ạ, xong con gửi cho mẹ hết, con quên rồi.”

“Ừ, không sao con ạ. Hồi bé ba cũng hay được mừng tuổi như thế. Có những bà cụ, ông cụ già, rồi nhiều thày cô giáo bạn của bà nội con… đều rất nghèo. Tiền mừng tuổi không có nhiều tiền mới đâu, và cũng rất ít. Ai cũng nghèo cả, nên tiền mừng tuổi chỉ là cho vui thôi. Thế con có biết mừng tuổi để làm gì không?” “Mẹ nói với con là để động viên trẻ con ngoan, học giỏi ba ạ.” “Đúng rồi con ạ, và còn để các con tích lại mua sách vở nữa. Ba nói cho con nghe tiếp này, hồi bé nhiều khi gặp những bà cụ ông cụ rất nghèo vẫn mừng tuổi ba, ba không dám nhận đâu. Ba sợ làm cụ nghèo hơn nữa. Nhưng bà nội con bảo ba, cứ nhận cho cụ vui. Cụ già rồi, niềm vui cũng quan trọng lắm. Với những người nghèo, một đồng cũng là khó khăn để có được, nên khi mừng tuổi cho ba hồi bé, cho con bây giờ, là tấm lòng của họ với chúng ta là lớn lắm. Các bà ở quê yêu quý các con lắm đấy.”

Con trai mắt long lanh. “Con nhớ nhé, sau này có thể con đi làm, có nhiều tiền… nhưng không bao giờ con được quên những người nghèo.” “Vâng ba ạ.”

Hồi mình còn nhỏ, không biết bao nhiêu lần bà ngoại và mẹ, mời ông ăn mày vào nhà ăn cơm cùng. Ông không dám ngồi, xin một bát ra ngoài cửa, ngồi ăn. Mình nhìn ông ăn cứ rưng rưng… Rồi ông lần giở những đồng tiền nhàu nát bằng những ngón tay nhăn nheo, đen đúa. Mỗi lần đi đâu nhìn người ăn mày, mình biết mẹ không đủ tiền đi chợ và sẽ không đủ tiền cho người ăn mày, chỉ nhìn họ, cổ nghẹn lại. Bây giờ vẫn vậy. Lại mỗi lần được các cụ mừng tuổi, lại những ngón tay nhăn nheo, run run vuốt tờ tiền lại thấy thương các cụ. Từ chối không dám từ chối, nhưng nhận thì thương lắm.

Có thể có người sẽ phản đối việc không dạy con cách tiêu tiền. Mình cũng không biết tiêu tiền cho đến tận khi mẹ ốm, không có tiền thuốc và mình buộc phải đi làm. Bươn chải, buôn bán… chắc chẳng mất đến vài tuần để học tiêu tiền. Chỉ sợ lười không muốn lao động kiếm tiền thôi, chứ đã kiếm được rồi thì học tiêu đâu có khó. Mà phải chăng do không biết tiêu tiền, nên mình cũng chẳng có ý thức bo bo giữ tiền…

Vì thế mình chắc vẫn dạy con biết quan tâm đến những người nghèo, người già… hiểu được tấm lòng là quý, chứ không phải như cô phụ huynh nào trên báo, viết ai mừng tuổi con tôi ít tôi mừng lại thật nhiều, cho xấu hổ đi, mừng phải nhiều cho trẻ con nó vui. Báo gì mà “phản giáo dục” thế không biết chứ, ai lại dạy con khinh người rẻ của từ bé thế bao giờ. Hay là báo thiếu bài, báo bịa ra hả báo?

Ai trong số chúng ta mà chẳng có thể sẽ nghèo, và ai mà chẳng phải già?

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment