Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Saturday, December 21, 2013

Bôlêrô của Raven

Năm em trai mình mới chỉ tuổi rưỡi, hai tuổi, nhà nghèo lắm. Mẹ là cô giáo, bố là cán bộ, cả nước mới bỏ bao cấp một thời gian ngắn, chính sách “bù giá vào lưng” (nhầm, vào lương) làm cho những người ăn lương ngân sách của Nhà nước cuộc sống khó khăn kinh khủng.

Nhà ở khu buôn bán, các gia đình hầu hết có của, không những thế, còn giàu có, trừ nhà mình. Họ hàng ở xung quanh nhiều nhà cô bác cũng định hỗ trợ gia đình “bung ra” buôn bán, nhưng không ăn thua, chắc do nhà mình không có cái năng khiếu đó.

Nhưng mẹ mình là con gái Hà Nội, nữ công gia chánh, tề gia nội trợ là khá lắm. Bà nghĩ ra một “phương án” làm ăn mới: bán bánh mì patê buổi sáng cho các cháu đi học, người lớn đi làm…

Gan lợn mua về xay với tỏi đã dậy mùi patê rồi, thêm ruột bánh mì vào nữa cho nở và xốp, mỡ chài lót xuống dưới và hấp lên, thật là chất lượng. Mẹ làm thêm món thịt hấp rồi thái mỏng cho thêm vào, cùng với xúc xích mua ở cửa hàng thực phẩm Nhà Thờ hoặc Tôn Đản… tương ớt mẹ chưng bằng ớt tươi xay và mỡ, gia vị, đường… món nào cũng ngon và bán rẻ, nên đông khách lắm.


Mình mới học lớp 10, 11 gì đó, sáng sớm nào cũng dậy lúc 5 giờ sáng đi lấy bánh mì. Trời rét buốt, tối mò mò, nhưng loa truyền thanh của vài nhà thì đã mở, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội người sáng nào lúc 5 giờ sáng người ta cũng phát cùng một điệu nhạc: bản Bôlêrô của Raven…

Đạp xe chỉ một đoạn người đã ấm được lên, đi đến lò bánh mì ở Ngõ Quỳnh, đã có mấy bà con lố nhố ngồi trong bóng tối của sân. Trong gian nhà có cái lò bánh mì nóng rực, hai ông anh thanh niên đang làm việc. Một anh mình không nhớ tên, nặn thoăn thoắt những cái bánh bột mì trắng đúng chỉ bằng cái chuôi dao, xếp thành một hàng trên các thanh gỗ dài và mỏng như cái mái chèo, rồi dùng dao rạch trên lưng những chiếc bánh mỗi chiếc một đường dài dọc sống lưng... Anh trai anh ấy, tên là Hùng mới đi bộ đội về, người gày nhỏ, rất khéo léo cầm những thanh gỗ luồn sâu vào lò bánh mì, hất nhẹ, cả dãy bánh nảy khẽ lên, rồi nằm gọn gàng thành hàng trên nền lò. Anh ấy kể, đã từng hất hỏng nhiều lần, nếu bánh nằm nghiêng hoặc tệ hơn, nằm ngửa ra, là vứt. Nhanh chóng trong hơi nóng, những chiếc bánh to dần, nở ra, hơi toát ra từ những đường rạch trên lưng đó… chính vì thế khi cầm cái bánh mì ta mới thấy có cái chỗ sần sùi trên lưng nó vậy.

Anh Hùng vừa làm vừa hát, anh ấy thường hát “Hùng ới, bọn mình chung lớp chung đôi…” chẳng biết điệu hát ở đâu. Anh ấy bảo: hình như câu đó trong vở cải lương “Lan và Điệp”, “Địp ới, bọn mình chung lớp chung đôi…” anh Hùng cất giọng nửa Sài Gòn, nửa chợ Mơ hát lên câu đó, anh em cười rũ rượi. Và cũng không hiểu sao, anh ấy toàn gọi mình là “Hùng”, như kiểu ví mình với nhân vật Điệp trong “Lan và Điệp”. Anh Hùng vui tính, hiền lành, ngoài 30 vẫn chưa vợ…

Đạp xe về với bao tải bánh mì sau lưng, âm ấm… về đến nhà năm chục cái mẹ bán hết veo. Gia đình đỡ vất vả hẳn, em trai bé tí cũng có cái ăn, đỡ suy dinh dưỡng. Mình cũng béo hẳn lên vì bánh mì patê. Chỉ ăn được nửa tháng là chán, nhưng vẫn ăn, vì không ăn thì ăn cái khác còn tốn kém hơn!

Mẹ bán bánh mì được hai năm rồi ốm, dần dần ốm nặng rồi mất, cũng là mở đầu của một thời kỳ khó khăn mới của gia đình.

Mãi sau này, khi gặp lại anh Tính, em trai út của anh Hùng, mới biết anh Hùng sa vào nghiện thuốc phiện, được vài năm sau rồi mất, nhà anh ấy không làm bánh mì nữa.

Rất nhiều người đã xa, xa mãi mãi. Nhưng ký ức thì vẫn còn, mỗi khi nhìn cái bánh mì mua ở chợ, hoặc ăn bánh mì kẹp patê, lại nhớ câu hát “Hùng ới…” và ánh lửa của lò bánh mì. Và mỗi lần nghe thấy “Bôlêrô của Raven” lại nhớ những buổi sớm Hà Nội mờ tối rét căm căm, nhớ cảm giác ấm ấm sau lưng của những cái bánh mì nóng hổi…

… và nhớ cái dáng nhỏ bé của mẹ đang ngồi bán bánh mì…

Maurice Ravel BOLERO - Wiener Philharmonic

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment