Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, December 20, 2013

Sa Pa có tuyết rơi

Đài báo gió mùa đông bắc tăng cường, đang rét căm căm ông Trời “bồi” thêm cho một cú, và lâu nay người ta bắt đầu quen với câu đùa “Không biết có qua được mùa đông này không…”

Từ ngày internet phát triển, các diễn đàn trực tuyến hoạt động nhộn nhịp, người ta hay hô hào rủ nhau đi chơi, “phượt”. Đài báo gió mùa đông bắc, thì nói thêm cả Sa Pa ( Dãy Hoàng Liên Sơn, Lào Cai) và núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nước đóng băng và có tuyết rơi. Đến nhà người quen, thấy bảo “Ổng đi vắng rồi, bạn ở Lạng Sơn gọi điện rủ lên chơi xem tuyết Mẫu Sơn”. À thì ra đó là một dịp để đi chơi. Người có tuổi đã đi được, thì thanh niên càng đi ác. Trên Facebook người ta nháo nhác hô hào nhau đi Sa Pa xem tuyết, đến mức “cháy” vé tàu Lào Cai. Lên muộn tuyết nó tan bố nó hết, ý thế. Việt Nam chứ có phải Tây đâu, mai là ấm lên ngay ấy mà, lớp tuyết mỏng tang ấy thì tan bất cứ lúc nào.

Nhất là các nhiếp ảnh gia gần đây nở rộ theo phong trào thì lại càng “hoắng” tợn, các bộ ảnh tuyết “ai bảo Việt Nam nào…” và “cứ như Tây…” được chia sẻ tứ tung trên mạng.

Tuyết rơi ở Sa Pa, Mẫu Sơn, nên đi xem không? Nên quá đi ấy chứ. Với những người đã từng sống ít nhất một mùa tuyết xứ ôn đới hàn đới, là một dịp để nhớ lại một thời. Với những người chưa tiếp xúc bao giờ, là một dịp tốt để được biết thế nào là băng tuyết. Những cành cây khô khẳng phủ lên một lớp tuyết, rồi những nhũ băng rủ xuống từ mái nhà… với những người bạn trẻ quả là một cảnh tượng tuyệt vời, nhất là với những đôi yêu nhau, chắc chắn sẽ là những cảnh tượng khó quên. Lãng mạn lắm, nên thơ lắm… nên xem quá đi chứ!

Nhân tiện đi xem tuyết, nên quá bộ đi vào làng, mò xuống chuồng trâu xem bà con có chết mất con trâu nào không. Rét mướt thế này, trâu bò chết nhiều lắm. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, đến bây giờ dù trâu sắt Trung Quốc phát triển nhiều, nhưng với uuaylên cũng không cày được với những mảnh ruộng bậc thang nhỏ xíu, chỉ có con trâu nó bền bỉ, trung thành vẫn ngày ngày quần quật cày cùng bà con.

Cái thứ “sức kéo” lâu đời đó, bây giờ rẻ thì cũng hai chục triệu, con to đến hơn ba chục triệu, nghĩa là từ 1000 đến tầm 2000 đô-la Mỹ. Cứ “quy ra đô” như thế, để phòng hờ trượt giá cho bà con đỡ thiệt.

Bà con được nhận tiền hỗ trợ của ngành khuyến nông để làm chuồng làm trại, nhưng sao đủ. Rồi bản thân rét quá thì chuồng cũng không ăn thua, còn phải lấy rơm đan áo cho trâu, lấy rơm quấn chân cho nó khỏi bị cước chân, nứt nẻ ra. Nó mà nứt chân chảy máu ra, là hết đi, lăn quay ra đấy. Cũng chưa đủ, nó đi vào chỗ nọ chỗ kia, cái áo rơm ngấm ẩm, rồi mồ hôi mồ kê, ướt sũng, trời lạnh không khô, lại phải đốt lửa sưởi ấm cho nó, hong khô cái áo rơm của nó.


Bà con được nhận tiền hỗ trợ làm chuồng, rồi chống rét cho trâu bò từ đầu mùa, nên nhà nào để chết trâu là bị phạt tiền. Khổ cái, chống mấy thì chống, nhiều khi nó vẫn chết, và bà con vẫn bị phạt, chỉ mong trời mưa thuận gió hòa…

Tuyết rơi băng đóng, cũng là sương muối, chết tiệt cả cây cối rau cỏ của bà con. Đất cứng lại, chẳng cày cuốc gì được. Lên thôn lên bản, làm gì có đường sá gì đâu, leo đồi trơn tuồn tuột…

Chưa hết, tuyết rơi, băng đóng, thì nước theo những chương trình nước sạch nông thôn hứng từ nguồn cao xuống cũng không chảy nữa. Ở bên Tây người ta có hệ thống nước nóng kiêm sưởi ấm cả tòa nhà, nhưng ở ta mấy khi có dịp lạnh thế, nên cũng đào đâu ra một cái hệ thống như vậy.

Với bà con, tuyết rơi một ngày là khổ một ngày.

Nhân tiện lại quá bộ vào Ủy ban xã hay Phòng nông nghiệp Huyện xem có gặp được cán bộ khuyến nông nào không, hay là đi cả tuần chẳng về nhà?

Vì thế, nếu “Sa Pa có tuyết rơi”, đi chơi thì cứ đi, vui thì cứ vui, nhưng cũng đừng mong có tuyết có băng, vì bà con khổ lắm… và như thế, sắp sửa “vô cảm” rồi đấy!

Hình ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây và tại đây

No comments:

Post a Comment