Hồi mình còn bé tí, có lần ông cụ nhà mình mừng
tuổi cho mười đồng, tờ tiền to nhất lúc bấy giờ, màu đỏ đỏ. Năm đó cụ được thưởng
nhiều do lo được cho cơ quan một công trình xây dựng ở đâu đó tận Thái Nguyên.
Hồi đó mười đồng có khi phải như cả triệu đồng bây giờ, và được mình cất đi
dành mua sách vở.
Tờ mười đồng đó, thấy các anh lớn gọi là tờ “Cụ
mượt”, chẳng hiểu sao lại gọi thế. Người thì bảo, do tóc “ông cụ” được in chân
dung trên đó trông mượt mà. Người khác thì bảo, là cầm tờ tiền bằng giấy xốp xốp,
âm ấm, nhưng vuốt ve lên nó, thấy dễ chịu và “mượt”.
Nôm na là nếu bây giờ có ai cho mình 100 đô-la
Mỹ, thì cầm thấy cũng “mượt” như vậy, và bất cứ “cụ” nào dù là Benjamin
Franklin hay Sác Đờ Gôn, dù là Lê-nin hay Mao Trạch Đông, miễn đem trao đổi được
lấy hàng hóa theo quy luật “tiền hàng tiền” thì mình thấy “mượt” tất.
Cái “mượt” đó nó dịu dàng, ve vuốt con tim và
khối óc mỗi người chúng ta, ấm áp, thật là đê mê. Vì thế nên mới có chuyện nghe
tiếng đếm tiền xu xủng xoẻng đã đủ sướng, chứ chưa kể mình có tiền thật.
Lại mấy anh lớn hồi đó mỗi lần đi tán gái, chỉ
có một cái áo pô-pơ-lin pha ny-lông trắng muốt và gần như trong suốt, ở trong
phải đệm thêm cái may-ô hai dây của hãng Dệt kim Đông Xuân là chuẩn. Đi từ làng
này sang làng khác, đường làng rõ là bụi nên để chống bẩn cổ áo, phải lót cái
khăn mùi xoa. Áo bỏ trong cái quần pho màu be be nhạt nhạt, hoặc mãi sau này có
chất tít-xuy oách hơn hẳn. Sau năm 1975 anh nào có đôi Sambo bằng mút xốp mang
trong “nước Sài Gòn” ra thì ôi thôi là kinh hoàng. Đôi dép cứ cót két, cót két
dưới chân, oách nhất làng.
“Phụ tùng” đi theo chàng thường là bút Kim Tinh
Trung Quốc nắp vàng, giắt trên túi áo. Đồng hồ, cũng đồ đi mượn, Mô-va-đô có,
Ô-mê-ga cũng có, có cả Pa-li-ốt của Liên Xô to kệnh… Anh nào hút thuốc thì còn
có bật lửa, cũng có thể đem ra mà trọe gái được.
Hàng khủng đi kèm còn có cái đài bao da đeo bên
cạnh hông. Anh nào tầm trung úy thì lương cũng khủng và đài thì đương nhiên có,
đeo đến nhà nàng, mở “đài ta” lên nghe, nhân tiện tuyên truyền cho bố nàng luôn
về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, về tình hình chiến sự trong Nam
và triển vọng hòa bình sắp tới.
Bọn trẻ con ra sờ sờ vào cái đài, đứa khác thì
kính coong bấm chuông xe đạp ngoài thềm. Trong nhà, cô lo lắng nhắc các cháu đừng
nghịch xe của chú, chốc chú còn về, còn chú thì mỉm cười độ lượng.
Chú nào chủ đài chủ xe ở nhà thì lo ngay ngáy.
Lo nhất bị thanh niên trai làng nó ghét, nó rình nó ném cả người lẫn xe xuống
ao thì bỏ mẹ chứ đùa à. Nhưng thế chưa hết. Chú chủ đài mà không kiểm tra kỹ, bộ
pin Con Thỏ đã gần cạn, báo hại “diễn viên” đi diễn mà đài cứ ọ ẹ, nhỏ dần rồi
tắt ngúm thì nó về nó chửi cho cũng đến chết.
Về phương tiện đi lại, thì tiêu chuẩn hồi đó là
xe đạp Thống Nhất hoặc Phượng Hoàng là kinh khủng rồi. Cái xe Phượng Hoàng hồi
đó, có cái đèn pha to đùng đằng trước, buổi tối đạp cái đi-na-mô rên lên vo vo,
đèn lấp loáng trên đường đê. Vùng quê ven đô Hà Nội mà tối mò mò, nhìn về phía
thành phố bên kia sông cũng không sáng rực như bây giờ. Phong trào hồi đó là phải
trang trí cái xe đạp bằng một bông hồng rung rinh phía trước ghi-đông, trông rõ
nên thơ, tuy hơi quê mùa nhưng lại rất… lãng mạn.
Đến thềm nhà nàng, còn phải kênh cái bánh sau
lên, để cho cái líp nó kêu tanh tách vui tai thêm một tràng nữa, báo hiệu “hoàng
tử bạch mã” đã đến.
Nhưng có liên quan gì đến “cụ mượt” nhỉ?
Pô-pơ-lin trắng, may-ô cũng trắng, nên các chú phải có tờ “cụ mượt vía”, không
tiêu mà để dành hết chú này đến chú khác mang đi. Gấp mấy tờ giấy cho vào trong
cho dày, “cụ mượt” bọc ra ngoài cho vào túi áo ngực đã hoàn thành bộ cánh cho
chú. “Cụ mượt” lấp ló sau làn vải trắng trong mờ, hiện rõ mà vẫn e ấp đủ kín
đáo, khiêm tốn… thật là tinh tế. Hồi đó có chỗ nào tiêu tiền đâu, thành công
thì rủ nàng ra bờ đê tâm sự, cũng toàn chuyện công điểm thóc giống, mạ non, ta
thắng địch thua, Miền Bắc được mùa, Miền Nam thắng lớn… đến nhà thì có mấy cái
kẹo toàn bột cho trẻ con, cùng lắm thì mời bố nàng được điếu Điện Biên bao bạc,
Sông Cầu…
Bây giờ thanh niên không cần “cụ mượt” đút vào
túi nữa, nhiều chú trông đẹp mã dùng iPhone 5, đi SH nhưng cầm chân giũ ngược
lên chẳng có lấy được 100 nghìn đồng pô-li-me. Hóa ra chúng nó không đi mượn được,
thì đã có dịch vụ cho thuê đồ để làm hàng với mấy cô bé tóc vàng hoe…
Thời nào cũng thế, không “cụ mượt” kiểu này thì
“cụ mượt” kiểu khác…
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment