Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, November 25, 2015

Có phải người giàu cũng khóc?

Bạn B.H. và anh cu nhà tôi học cùng với nhau. Hai bạn chơi thân lắm, giờ chơi cử rủ nhau chạy vòng quanh sân suốt. Cô giáo lần nào cũng mách: hai bạn thân nhau lắm, cứ rinh rích, rinh rích suốt thôi.

Thỉnh thoảng gặp bạn B.H., thấy hỏi thăm mà bạn ấy cứ buồn buồn. Hai anh em bạn ấy học cùng trường, có một chiếc Mercedes hàng ngày đưa đón. Một dạo, không thấy cái sự thân nhau của B.H. và anh cu nhà tôi nó “nồng ấm” như trước. Hóa ra, đợt này, hai anh em B.H. đi học buổi đực, buổi cái. Trùng vào thời gian đó là hộp thư điện tử của các gia đình phụ huynh học sinh trong trường bị “dội bom”. Đó là những bức thư, gửi kèm là những đơn kiện cáo của bố bạn B.H., kiện… nhà trường. Đơn giản, bố bạn ấy không được gặp hai con do quan hệ bố - mẹ đang căng thẳng, mẹ đang quản lý hai con và ông bố cho rằng nhà trường cấu kết với mẹ hai bạn để ngăn không cho bố - con gặp nhau. Sở dĩ, mặc dù không muốn “bới chuyện đời tư” ở đây, nhưng tôi vẫn phải đề cập sơ sơ, để cho mọi người dễ hiểu.

Nhiều hôm đến trường đón con, thấy ầm ĩ. Cả công an Phường cũng thấy có mặt. Rồi có hôm xô xát giữa ông bố, (hồi đó mình không biết là ai, chỉ thấy beo béo, đầu trọc trọc) với mấy ông hình như là vệ sỹ của bà mẹ. Thật chả hiểu ra làm sao, nhưng theo những nội dung đơn kiện, kèm theo các “bom thư” thì cái việc kiện cáo rùm beng này nó đã lên đến tận Ủy ban Quận, nơi có ngôi trường tọa lạc. Đơn kiện nhà trường có cả nội dung là nhà trường “cấu kết”  với “Tập đoàn khách sạn B.S.” “bắt cóc trẻ con giấu đi”.

Rồi có ngày, tất cả các phụ huynh của trường lại còn nhận được một email từ một ông luật sư, mà thân chủ của ông ta là chính ông bố. Họ công bố những thông tin về tư cách của một giảng viên đại học kiêm doanh nhân kiêm nhân vật chính trị. Thì ra, họ cho rằng cái nhân vật thứ ba này, chính là “người thứ ba” xen vào quan hệ gia đình người khác.

Bạn B.H. vẫn nghỉ học là chính. Cả cô em gái cũng vậy. Tôi đến trường, gặp cô giáo vẫn hỏi thăm, mà lòng xót xa vì các cháu ít được đến trường quá.

Các vụ làm ầm ĩ lên ở trường, ở công an Phường Quảng An, ở UBND... thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, nhưng ít dần.

Đùng một cái, trên báo xuất hiện nhiều bài báo, chủ yếu do “bên bố” nện “bên mẹ”. Lúc đó tôi mới ngã ngửa ra về thân phận của các nhân vật chính trong câu chuyện, nào là “ly hôn ngàn tỉ”, “nào là người giàu cũng khóc”… Một ngày đẹp trời, lục lại trong đám “bom thư” số điện thoại của ông bố, mình gọi điện, đặng hỏi thăm về chú bé B.H. có cặp mắt buồn rầu kia.

Trái ngược với vẻ bề ngoài to béo và hùng dũng, giọng nói của ông bố the thé, nhanh và dễ… xúc động. Ngay sau khi nghe tôi giới thiệu, ông ta đã tuôn hàng tràng đủ các thứ thông tin về câu chuyện, kể lể về cái sự khổ sở trong việc không được gặp các con, nào là nhớ con lắm, yêu con lắm. Có mỗi một câu hỏi: anh có biết bây giờ chúng nó học ở đâu không – nếu như không còn học ở cái trường ấy nữa? Không “tâm sự” gì được, tôi đành cáo từ.

Nỗi buồn vẫn còn, không được giải tỏa.

Về sau, đọc thêm nhiều bài báo, mới biết họ cãi cọ về tiền. Rất nhiều tiền, có lẽ không bao giờ tôi hình dung được số tiền nhiều như thế, với một người có địa vị bình thường và với những khả năng bình thường như tôi. Ông bố không chịu “giải tán”, nhưng lại dùng những biện pháp khá “bất bình thường” để níu kéo. Một mặt, rêu rao những gì mà ông bố cho là “bất chính”, mặt khác tuyên bố “sẵn sàng hàn gắn”. Theo quan niệm của tất cả những “người bình thường” như chúng ta, thì những biện pháp níu kéo đó chỉ có làm mối quan hệ trầm trọng hơn mà thôi. 

Tôi gọi điện cho ông bố, chỉ là cố gắng nói với anh ấy rằng, những gì anh ấy đã và đang làm, nó gây tổn thương cho tâm hồn con trẻ là hai con của anh chị nhiều lắm. Anh không biết là anh đã đặt lên đôi vai trẻ thơ của chúng một gánh nặng mà chúng sẽ phải mang vài chục năm. Vết thương anh đang gây ra trong tâm hồn chúng sẽ rất lâu mới lành, vì cái xì-ken-đầu anh gây ra đã quá lớn nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Trong điện thoại, anh không khóc, mà anh hét, hét rất to vì phẫn nộ và uất hận.

Chuyện đã cách đây đến 5 năm, còn khoảng năm kia, theo tin trên truyền thông thì được biết bố của cháu B.H đã đi thọ án vì tội danh “Vu khống.” Cuộc đời có nhiều điều kỳ lạ vậy đấy: muốn níu kéo một cuộc hôn nhân, thay vì dùng tình cảm thì người ta dùng đủ các thứ trò, từ quấy nhiễu “không cho ăn ngon ngủ yên” đến tung tin đồn nhảm, hoặc cứ cho là sự thật nhưng bới ra công khai, cũng chẳng hay ho gì.

Nhiều khi tôi tự hỏi, với những vết thương tâm hồn anh ấy gây ra cho hai con của mình như thế, liệu có phải là yêu con? Anh ấy yêu con hơn hay yêu tiền hơn nhỉ?

Thương hai cháu quá…

Bài báo kèm theo bài này cũng từ một trong những “bom thư” gia đình tôi nhận được.

Bài trên Webtretho tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment