Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, November 11, 2015

Nói dối, nói thật

“Ba ơi, con đọc trong truyện tranh Doraemon, có đoạn bà của Nobita phải nói dối mẹ của Nobita để cứu bạn ấy. Thế có nói dối nhưng mà tốt không hả ba?” Lúc đó mấy ba con đang chuẩn bị tập thể dục ngoài ao làng, nên ba khất đến một lúc khác nói chuyện.

Câu chuyện thứ nhất
“Thời kỳ cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai ở mặt trận Xô – Đức (Liên Xô và Đức phát-xít) có một tên gián điệp Đức giả làm Hồng quân trà trộn trong hàng ngũ Hồng quân để lấy tin tức. Hắn bắt quen và làm thân với một sĩ quan của Hồng quân, nhưng những người phản gián (sĩ quan chuyên làm việc bắt gián điệp) của Hồng quân đã phát hiện ra. Họ báo cho người sĩ quan Hồng quân kia, và ông ta vẫn giả vờ không biết tên kia là gián điệp. Khi Hồng quân chuẩn bị tổ chức tấn công quân Đức bên kia sông, tên gián điệp rất muốn biết Hồng quân tấn công ở chỗ nào, và ông sĩ quan đã rất khéo cung cấp cho hắn một thông tin giả, tức là nói dối hắn về vị trí Hồng quân sẽ tấn công. Chỗ đó họ đặt rất nhiều xe tăng, pháo… giả; lại cho nhiều người đi đi lại lại, dùng loa phóng thanh phát ra tiếng của các loại xe cộ đang tập trung để làm như thế nào mà bên kia sông, quân Đức dùng ống nhòm nhìn sang thì tưởng thật. Chúng tập trung rất nhiều quân để chuẩn bị “đón tiếp” Hồng quân, nhưng không ngờ Hồng quân đã bí mật tập trung lực lượng thật ở một chỗ khác, đánh sang vào chỗ quân Đức bố trí rất ít quân, phòng thủ yếu, và Hồng quân chiến thắng. Ngay trước lúc tấn công, các sĩ quan phản gián Hồng quân đã bắt ngay tên gián điệp Đức…”

“Thế là ông sĩ quan Hồng quân phải nói dối ba nhỉ? Ừ, nói dối nhưng được ích lợi rất lớn, là chiến thắng. Chiến tranh mà thua trận thì sẽ hi sinh rất nhiều binh sĩ, hoặc thậm chí chiến thắng mà đánh chưa đúng cách cũng vậy con ạ.”

Câu chuyện thứ hai
Một người rất yếu đuối, sợ ốm, sợ chết… một ngày ông ta, hoặc bà ta ốm thật. Người nhà đưa đến bệnh viện khám, và bác sĩ phát hiện ra người đó bị ung thư. Nếu tinh thần vững vàng, thêm điều trị đúng cách, có thể sống thêm được hàng năm thậm chí chục năm. Nếu suy sụp tinh thần, thì có thể chỉ sống được vài tuần đến vài tháng là cùng. Do đó người nhà sau khi được bác sĩ nói chuyện cho “thông,” đã nói dối người kia, là ông ta hay bà ta, chỉ ốm nhẹ nhẹ thôi. Người đó vì thế yên tâm vui sống, và sống được hàng năm…

Câu chuyện thứ ba
Ngày xưa thời ba còn nhỏ, hầu hết các nhà đều nghèo và vất vả - thì phở là một món ăn rất ngon, tuyệt vời, nhưng chỉ có ốm mới được ăn phở. Đến mức như ba thèm ăn phở quá, chỉ mong ốm để được ăn. Buổi sáng các nhà ăn cơm nguội từ hôm trước chứ không đi ăn quà sáng ngoài đường nhiều như bây giờ đâu. So với thu nhập của mọi người, bát phở khá đắt tiền, đến mức bây giờ nhiều người vẫn có thói quen quy mọi thứ ra phở, như cái này bằng mấy bát phở, cái kia bằng mấy bát phở… Có bà mẹ cả năm mới dẫn con vào hàng phở ăn được một lần, mà chỉ mua có một bát. Mẹ ngồi nhìn con ăn, con hỏi “Mẹ ơi, sao mẹ không ăn?” “Mẹ no rồi con ạ, mẹ vừa ăn cơm ở nhà xong…” Con nhỏ chưa biết, mẹ tiết kiệm hàng tháng mới ra được khoản tiền cho con đi ăn bát phở, nên mẹ nói dối, “Mẹ no rồi…” Đến khi con lớn, con hiểu, mẹ nhìn con ăn ngon là mẹ hạnh phúc, mẹ no, chứ lúc đó mẹ đói lắm, tay mẹ run run kìa… mẹ cũng là người cả, mẹ cũng muốn ăn chứ! Khi con lớn, con nhớ lại, con không trách mẹ đã nói dối con, mà con thương yêu mẹ hơn, con muốn đi làm có tiền, bù đắp cho mẹ…

Con trai mắt long lanh…

“Như thế trong ba câu chuyện, con nhận thấy nói dối mà “tốt” có đặc điểm gì không?” “Là sao hả ba?” “Là nói dối vì cái chung, nói dối vì người khác… và quan trọng là nói dối đó, là xuất phát từ lòng yêu thương người khác, mẹ yêu con, con yêu cha mẹ, những người lính yêu thương nhân dân, đồng bào…” “Vâng đúng rồi ba nhỉ…”

Hồng Quân vượt sông Dniepr
“Đúng con ạ, các con rất ngoan, được ông bà ba mẹ dạy không nói dối, do đó phần lớn trong cuộc sống, chúng ta cố gắng trung thực, nói sự thật, nhưng nói như thế nào cũng là cả một vấn đề. Như bạn Nhi Bá một ngày sang hàng xóm kể: “Bác Sáng ơi, bác bảo vệ trường con nhà ở Thái Bình đấy!” thì sao nhỉ?” “Không liên quan gì ba ạ!” “Đúng rồi, bác Sáng có thể chẳng liên quan gì đến Thái Bình, lại không biết ông bảo vệ là ai cả, bác ấy không quan tâm. Nói thật thì tốt, nhưng nói không đúng người thì chẳng giải quyết được việc gì…” “Vâng không nói nữa ba nhỉ!” “Ừ, không cần thiết thì nói làm gì!”

“Lại trong đám cháy, bạn Nhi Bá với một bạn nữa đang tìm cách thoát ra ngoài, tự dưng bạn Nhi Bá bảo: “Em phải nói thật với anh một chuyện nhé: Quần của anh thủng đít!”…” Hai anh em nghe cười vang… Nhi Bá cười nói: “Vâng, lúc đó phải thoát ra ngoài đã chứ không phải nói chuyện quần thủng đít ba nhỉ!” “Đúng rồi, nói thật nhưng không đúng hoàn cảnh, cũng không nên nói con ạ.”

“Có một cái bạn rất buồn cười, nếu như thông báo với bạn ấy trước hai tuần, là con sẽ được đi chơi ở Singapore thì y như rằng trong hai tuần đó, bạn ấy không làm được việc gì, học không tập trung, lúc nào cũng nghĩ và nghĩ cả ra mồm, là Singapore thế này, Singapore thế kia… Nên ba mẹ bạn ấy phải giấu kín, đến khi chỉ còn vài ngày mới báo, để cho bạn ấy khỏi mất tập trung. Bạn nào ấy nhỉ?” “Bạn Nhi Bá ạ!” (Nhi Bá nhe hai cái răng to cộ, cười…) “Đúng rồi, là bạn Nhi Bá lẩm cẩm của ba đấy, hì hì… Đó con thấy không, nói sự thật nhưng không đúng thời điểm, cũng không nên nói. Chờ khi nào thời điểm có thể nói được nó đến, hẵng nói.”

“Thế con nhé, học sống trung thực là quan trọng, nhưng cũng phải học cách nói cái gì, nói như thế nào, nói với ai và vào lúc nào nữa…” “Dạ vâng ạ…”

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment