Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, November 26, 2015

Vụ bắn hạ máy bay SU-24 và quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Máy bay SU-24 của Nga bốc cháy 
sau khi bị 2 tiêm kích F-16 
của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. 
Ảnh: Reuters.
Thế giới còn nguyên những cái nhìn đa chiều về việc Nga tham gia không kích Nhà nước Hồi giáo IS đang chiếm đóng một diện tích lớn thuộc lãnh thổ hai nước Iraq và Syria, những tiếng súng khủng bố ở Paris còn văng vẳng dư âm, thì sự kiện chiếc máy bay cường kích SU-24M của không quân Nga bị bắn hạ bởi tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ lại làm tình hình thế giới đã nóng càng thêm nóng.

Người ta lo ngại cũng đúng thôi, liệu đây có phải là một sự kiện châm ngòi cho một cuộc chiến tranh có quy mô lớn hơn, khi mà lần đầu tiên trong thời kỳ hậu Xô-viết, một máy bay của NATO bắn hạ một máy bay chiến đấu Nga. Không tính những vụ đụng độ trên không thì có lẽ lần giao chiến gần đây đáng kể nhất là những trận không chiến trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) mà các phi cơ Liên Xô chỉ bay đến bờ bắc sông Áp Lục rồi quay về. Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là một mối quan hệ đầy “duyên nợ” vì từ năm 1568 đến 1918, tròn trặn 350 năm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khi đó còn là Đế quốc Ottoman đã nổ ra đến 13 cuộc chiến tranh.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều điểm tương đồng – cùng là hai nước mạnh có ảnh hưởng lớn trong khu vực và dần dần trở thành Đế quốc. Cả hai nước đều nằm trên hai lục địa Âu – Á, và đều có những vị trí địa lý rất chiến lược. Nga là nước nằm trên đường tiến của Đế chế Thổ lên phía Bắc, còn Thổ thì nằm trên đường tiến của nước Nga ra biển ở phía Nam. Chỉ đến cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất thì kết cục mới ngã ngũ cho cả hai Đế chế: cùng bị diệt vong. Lịch sử quan hệ của hai nước này trong thế kỷ 20 đi theo hai hướng khác nhau, nước Nga trong một thời gian ngắn đã giải quyết xong cuộc nội chiến và tiến lên xây dựng một đất nước thực sự hùng mạnh là Liên bang Xô-viết, đóng vai trò chủ yếu trong việc đánh bại nước Đức phát-xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai nhưng sau chiến tranh, họ lại quá bận bịu với việc duy trì hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và cuộc chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang đã vắt kiệt sức lực của Liên Xô. Thổ Nhĩ Kỳ từ sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, chuyển sang hình thức chính thể Nhà nước cộng hòa, lại giữ vai trò trung lập trong gần hết cuộc Thế chiến thứ hai sau đó… sau chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ hướng mạnh sang Phương Tây, trở thành thành viên của NATO vào năm 1952 và tiếp tục định hướng gia nhập Liên minh châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nền kinh tế phát triển nhanh. Về quân sự, Thổ là nước có quân đội mạnh trong NATO. Sự bất đồng của hai nước thời kỳ này nằm trong thế đối đầu Đông – Tây. Liên Xô vẫn duy trì quan hệ tốt với lực lượng Đảng lao động Kurdistan theo chủ nghĩa Mác nhưng lại là lực lượng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 đem lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước Cộng hòa vùng Trung Á thuộc Liên Xô cũ vì có sự tương đồng về văn hóa, dân tộc, tôn giáo.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước cùng nằm trên lục địa Á – Âu, có đất ở cả hai châu lục, người Nga được coi là “Âu nhiều hơn” còn người Thổ được coi là “Á nhiều hơn…” phần lớn dân Nga theo Thiên chúa Chính thống, còn phần lớn dân Thổ theo Hồi giáo (từ 95 đến 99% tùy nguồn thống kê) nhưng Nga thì luôn luôn tự coi mình là độc lập với châu Âu, đi con đường khác với Châu Âu còn Thổ Nhĩ Kỳ thì mong muốn hòa nhập trở thành một phần của Châu Âu.

Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1992 giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ đã có quan hệ chính thức, và từ đó quan hệ giữa hai nước được đánh giá là tốt cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Năm 2004 tổng thống Nga V.Putin lần đầu thăm Thổ Nhĩ Kỳ, và ngay từ thời kỳ đó ông đã có mối quan hệ được cho là thân tình với ông Recep Tayyip Erdoğan lúc đó còn là Thủ tướng. Chỉ một năm sau, 2005 cũng ông Erdoğan thăm lại Nga nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát-xít và khánh thành Trung tâm thương mại Thổ Nhĩ Kỳ tại Matxcơva. Tháng 12/2006 Nga tham gia “Chương trình hành động hòa hợp Biển Đen” nhằm thúc đẩy hợp tác và an ninh khu vực xung quanh vùng biển này. Đáng kể nhất là dự án “Đường ống khí đốt dòng chảy xanh” dần khí đốt từ Beregovaya của Nga xuyên qua Biển Đen sang Samsun tới thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này là một phần của Dự án lớn hơn, hệ thống Đường ống Phương Nam của Gazprom với đường ống dẫn khí qua Ukraine sang Châu Âu và đường ống “Dòng chảy Phương Nam” cũng qua biển Đen sang Bulgari phục vụ vùng Nam Âu (chưa xây dựng xong.) Đường ống dẫn khí này có công suất truyền dẫn thừa dùng trong nước và còn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bán lại khí đốt sang Châu Âu. Không còn nghi ngờ, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng của Nga cả về kinh tế lẫn ngoại giao.

Quay lại với vụ bắn máy bay SU-24 ngày hôm 24/11, sự việc đã làm giấy lên nhiều tranh cãi. Với việc công bố (1) Quy tắc giao tranh của lực lượng vũ trang và (2) bản đồ đường bay thì Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức tuyên bố máy bay Nga đã vi phạm không phận nước này. Cũng theo truyền thông thế giới thì máy bay Nga cũng đã vài lần vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi họ tiến hành các phi vụ không kích Nhà nước Hồi giáo IS (30/9) và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng khá mạnh mẽ cảnh báo trước rằng họ sẽ bắn hạ. Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng bắn hạ máy bay của Syria vi phạm không phận rồi. Nga thì tuyên bố máy bay của mình không vi phạm không phận Thổ (hoặc ít nhất thì nó bị bắn rơi khi đang ở không phận của Syria hay rơi trên đất Syria chứ không phải đất Thổ.) Một “chỗ lồi” của lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ sang phía Syria, khi mà bay qua đó một chiến đấu cơ chỉ mất vài phút, thì cũng có thể được giải thích là máy bay Nga bị bắn hạ khi đang trên đường ra khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này giống như tình huống công nhận bàn thắng bóng đã qua vạch vôi chưa hay thổi phạt đền trong bóng đá, trọng tài có thể quyết định công nhận mà cũng có thể quyết định không công nhận. Chiếc cường kích SU-24 già cỗi vốn được thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt đất không thể chống lại được với F-16 mạnh hơn về không chiến đánh quần (dog-fighting.) Thực tế với tên lửa không đối không “AIM-9 Sidewinder” trang bị trên phiên bản F-16 thường (Thổ Nhĩ Kỳ có 240 chiếc loại này) với tầm bắn 35km thì kể cả là chiếc SU-24 có bay sâu hơn nữa vào không phận Syria thì nó vẫn có thể bị hạ sau khi phi công F-16 khai hỏa. Đó là chưa kể nếu máy bay Thổ Nhĩ Kỳ là F-16 Block 50+ được trang bị tên lửa không đối không hiện đại hơn là “AIM-120 AMRAAM,” có tầm bắn 75-180km tùy phiên bản thì còn nhiều chuyện để mà tranh cãi hơn nữa.   

Chúng ta cần nhìn nhận sự việc dưới cái nhìn tổng thể. Trước đây khi ông Erdoğan còn là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (từ 3/2003 – 8/2014) năm 2011 ông đã mời lãnh đạo Syria Bashar al-Assad tham gia kỳ nghỉ cùng gia đình mình, như vậy quan hệ cá nhân của hai người là khá thân tình. Sau đó ông Assad đã phớt lờ các đề xuất của Edorgan đi theo con đường dẫn đến bị Phương Tây quy kết là độc tài và phạm các tội ác diệt chủng. Từ tháng 8/2014 ông Erdoğan trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách của nước này với chính quyền của ông Bashar al-Assad trở nên thù địch, và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đứng sau một số nhóm nổi dậy (như phiến quân người Turkmen) chống lại ông Assad. Như vậy là cách đây vài năm, cả hai ông Erdoğan lẫn Putin đều là “những người bạn” của Assad, và ngay cả thời điểm hiện nay cả hai vẫn còn đang chia sẻ chung một thái độ của Phương Tây dành cho mình về quan điểm cứng rắn trong đối nội (bị cho là thiếu dân chủ.) Có vẻ như vụ bắn máy bay SU-24 lần này cho thấy con đường của hai ông Erdoğan và Putin đã tách ra khá xa nhau trong khi chỉ một năm trước đây, Putin bay sang Ankara về việc hai nước này trở thành đối tác chiến lược.

Hôm thứ Sáu tuần trước (20/11) Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Nga tại nước này, ông Andrei Karlov tới yêu cầu Nga không được tiếp tục không kích vào các vị trí của phiến quân Turkmen, là lực lượng đang kiểm soát biên giới Thổ - Syria. Lực lượng phiến quân Turkmen được Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ, là một phần của “Quân đội tự do Syria” đang chống lại chính quyền của ông Assad. Đại sứ Nga và tùy viên quân sự Nga tại Thổ đã báo cáo về nước về những cảnh cáo của phía Thổ Nhĩ Kỳ: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thờ ơ trước những thiệt hại của người Turkmen.” Để tấn công các vị trí này, máy bay Nga sẽ phải bay rất sát biên giới và khả năng xâm phạm lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn có thể xảy ra. Phía Nga thì luôn luôn công bố rằng mình tấn công Nhà nước Hồi giáo IS và chống khủng bố, chứ không tấn công lực lượng đối lập. Thực tế sự việc cho thấy, một trong hai viên phi công Nga sau khi nhảy dù đã rơi vào tay lực lượng đối lập người Turkmen chứ không phải IS.

Phải chăng đây là “phát súng cảnh cáo” của ông Erdoğan dành cho ông Putin? Hậu quả của việc bắn hạ máy bay Nga sẽ ra sao?

Chắc chắn một điều sẽ không có cuộc chiến tranh Nga – Thổ lần thứ 14. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí quá quan trọng với nước Nga, với eo biển Bosphorus, nó án ngữ đường ra đại dương của Nga qua Biển Đen. Hơn nữa, đã từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO. Chiến tranh, đồng nghĩa với khả năng của một cuộc chiến rất lớn, điều mà nước Nga chưa thực sự sẵn sàng để bước vào.

Chính vì thế mà lãnh đạo của các siêu cường thì dè dặt, còn ông Obama cũng nhanh chóng lên tiếng đề nghị các bên kiềm chế, giữ bình tĩnh. Ngay cả tổng thống V.Putin mặc dù khá cứng rắn khi tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề về việc này, nhưng ông cũng đủ tỉnh táo và mềm dẻo khi không đả động gì đến một hành động quân sự chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Từ lâu chúng tôi đã ghi nhận có sự vận chuyển số lượng lớn các sản phẩm xăng dầu đến Thổ Nhĩ Kỳ từ vùng lãnh thổ chiếm đóng của Nhà nước Hồi giáo. Điều này giải thích các nguồn của các khoản tài chính lớn cho bọn khủng bố”, ông Putin nói trong cuộc gặp tại khu nghỉ mát Sochi với Vua Hussein của Jordan. “Bây giờ họ đang đâm chúng tôi từ sau lưng bằng cách bắn hạ máy bay của chúng tôi đang chiến đấu chống bọn khủng bố.” Sau vụ việc, ông Putin ngay lập tức chỉ trích “thái độ đồng lõa của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nhà nước Hồi giáo.” Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhanh chóng hủy bỏ kế hoạch chuyến đi đến Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh báo khách du lịch Nga tránh đi du lịch nước này; Hãng du lịch quốc gia Nga bỏ các tour du lịch trọn gói đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, nhiều nghị sỹ Nga đề nghị cấm tất cả các chuyến bay giữa hai nước.

Vậy “đòn trừng phạt” còn có thể là gì? Nga sẽ cắt khí đốt đang bán cho Thổ Nhĩ Kỳ? Hiện nay 60% lượng khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ là nhập khẩu từ Nga. Một thị trường dầu mỏ với giá xuống thấp suốt trong một năm rưỡi qua, khiến cho Nga không thể từ bỏ bất cứ một đối tác sẵn có nào về dầu và khí. Một Châu Âu ngày càng muốn giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và một mùa đông – xuân 2015-2016 hứa hẹn không nhiều giá rét, tất cả đang tiếp tục đe dọa ngân sách của nước Nga. Một dự án đường ống 40 tỷ đôla bị bỏ lại hồi tháng 12 năm ngoái (“Dòng chảy Phương Nam”) sẽ hối thúc Putin phải giữ cho được dự án một đường ống nữa qua Biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ giá trị 14 tỷ đôla (đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”)?

Hai nguyên thủ Nga - Thổ trong lần tổng thống Putin thăm Ankara
Tháng 12/2014. Ảnh: RIA Novosti.
Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga nhiều hơn, họ cần năng lượng cho nhu cầu phát triển trong ngắn hạn. Dự án nhà máy điện hạt nhân của Nga đang xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ đôla do đó vẫn được tiếp tục – ngay trong ngày, sau khi xảy ra vụ bắn hạ SU-24, tân bộ trưởng năng lượng Thổ Berat Albayrak (và cũng là con rể của Tổng thống Erdoğan) tuyên bố vụ việc này chẳng ảnh hưởng gì đến quan hệ đối tác của hai nước về năng lượng cả. Tuy nhiên chuyến thăm (đã bị hủy bỏ) của ngoại trưởng Nga Lavrov sang Thổ vào tuần này chính là vì… dự án “Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ.” Như vậy khó khăn trước mắt đã thấy: dự án sẽ bị tạm gác lại, ít nhất trong tương lai gần. Về phía Nga, chúng ta dễ thấy thiệt hại về mất đi khách hàng không quá nghiêm trọng, vì đằng nào thì những dự án đó còn đang trong kế hoạch, mà với tình hình thị trường tổng thể cũng như dự báo khí hậu mùa tới, nhu cầu năng lượng không quá cao – đằng nào thiệt cũng thiệt rồi.

Xa hơn những trừng phạt về kinh tế, có thể có những đòn về chính trị. Đảng lao động Kurdistan (PKK) bị Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và cả Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố trong khi “Putin đã từng công khai tuyên bố lực lượng người Kurd là đồng minh chống Nhà nước Hồi giáo, do đó ủng hộ PKK cũng là một cách dễ dàng để Putin trả đũa người Thổ” - Michael Reynolds, giáo sư chuyên nghiên cứu vùng Cận Đông thuộc Đại học Princeton nói. Tuy nhiên đòn này sẽ là con dao hai lưỡi, vì chính “cuộc chiến chống PKK” là lá bài chính mà ông Erdoğan vừa sử dụng để giành chiến thắng cho Đảng của mình trong cuộc bầu cử cùng tháng 11 này; và xin nhắc lại lời của tổng thống Barrack Obama là “nhiệm vụ chính (của ông) trong giai đoạn này là đảm bảo cho tình hình không leo thang.”

Như vậy là sau những gì đã tuyên bố, chúng ta còn phải chờ thêm để biết hành động cụ thể của V.Putin sẽ ra sao…

Video SU-24 của Không quân Nga bị bắn hạ trên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ:


So sánh cấu hình SU-24 và F-16



Bài trên Tuần Việt Nam tại đây


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment