Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, February 2, 2012

Cái ô tô

Anh cu nhà mình rất mê ô tô, y như bố nó vậy. Bố nó hồi bé, được ông nội của nó dạy về đủ các loại xe tải nên nắm được hết: Zil, Gaz, IFA, Tatra… nhìn chung hồi đó xã hội ta không có xe tư bản mấy, và xe con thì rất ít.

Nhưng đã là trẻ trai, mấy anh chàng không thích ô tô đâu. Đến anh cu nhớn nhà mình cũng thế, hắn nắm được các loại ô tô có thể nhìn thấy chạy ngoài đường. Cậu chàng còn học những con số đầu tiên bằng cách đọc biển số xe ô tô.

Đi học, cậu ta được bố mẹ gồng mình cố gắng cho học ở một trường mà hầu như tất cả các bạn là nhà có điều kiện, chắc nhà mình là số ít không có ô tô. Thỉnh thoảng, cậu ta được mình đưa đi học bằng ô tô của Công ty, do đúng hôm đó mình đi công tác. Cậu ta sướng lắm.

Có lần, cậu ta hỏi: Tại sao ba không đưa con đi học hàng ngày bằng ô tô hả ba? – Vì xe là xe của Công ty ba con ạ, ba không có quyền sử dụng nó như xe của nhà mình. – Thế tại sao ngày thứ Bảy, Chủ nhật nhà mình đi “nước Vincom” chơi, ba không nhờ chú Th. đưa nhà mình đi bằng xe đó? – Là vì chú ấy còn phải nghỉ ngơi sau một tuần làm việc, nghề của chú ấy là lái xe con ạ. Mà lái xe không được nghỉ ngơi, làm việc căng thẳng suốt cũng rất nguy hiểm. Vả lại, chú còn phải chơi với anh M. và em Ng.H. nhà chú ấy nữa chứ, con quên à?. Nhà mình đi chơi thì đi taxi cũng được. Còn gần gần thì nhà mình đi bộ, cho khỏe chân. Cậu chàng buồn buồn, nhưng không nói gì.

Lần khác, mình phát hiện ra cậu chàng khoe với bạn là ba tớ đi xe Lexus. Mình phải nhắc ngay, con đừng khoe như thế, nhà mình không có xe đâu, đó là xe được Công ty giao cho ba dùng đi công tác. Nếu không đi công tác, ba vẫn đi xe máy đi làm đấy thôi! – Thế tại sao nhà mình không mua ô tô hả ba? – Vì ba rất yêu các con, nên ba muốn khi đi chơi với các con, ba thật vui vẻ. Nếu nhà mình đi ô tô riêng, thì khi đi chơi các con sẽ phải chờ ba đi gửi, và nếu đi gửi xe vất vả quá thì có khi ba sẽ cáu, và không vui vẻ nữa… thế các con có thích nhà mình thật vui vẻ với nhau không nào? – Có ba ạ! – Thế nhé, con đã hiểu là tại sao ba không thích mua ô tô rồi đấy. Còn nữa con này, để con đi học ở trường đó, ba mẹ đã phải cố gắng lắm rồi, nên gia đình mình cần tiết kiệm hơn nữa con ạ. Nếu nhà mình có thừa tiền thì mình sẽ mua quà để tặng các bạn nghèo ở trên vùng núi, tốt hơn đúng không con? – Nghe vậy, cậu bé hào hứng hẳn lên, chả là cậu ta đã từng được tham gia chương trình từ thiện bọn mình tổ chức trên vùng cao phía Bắc.

Mình từ một thanh niên rất thích xe cộ, sang một thái cực ngược lại, quý trọng sự thanh thản và thoải mái hơn vì ở Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn của Việt Nam nói chung, số gia đình được hưởng cái sự sung sướng của nhà có ô tô chỉ chiếm dưới 10% (là đoán thế). Mình xin phép không phân tích nỗi khổ của người đi ô tô ở Hà Nội, lên mạng đọc có mà đầy. Nhưng mình muốn nói đến một điều nữa: mình là người cả lo, sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, mình muốn đem lại cho các con một cái phông văn hóa tốt, nhân cách tốt, nhân ái. Vì thế mình rất sợ các con có cái suy nghĩ của một chú bé, cô bé nhà có điều kiện, xa rời những cái bình thường và chân thật của cuộc sống. Không phải cô bé chú bé có điều kiện nào cũng thiếu tình thương, nhưng tình thương của một người từ tháp ngà nhìn ra nó khác với sự hòa nhập vào cuộc sống với những người lao động bình thường.

Bạn mình có những người nhanh chóng trở thành đại gia, việc làm ăn buôn bán hàng ngày không cần quá coi sóc nữa, mọi thứ, công việc, tiền bạc cứ ùn ùn đến. Và thế là ngày ngày trèo lên xe đến văn phòng, họp không nắm được công việc, chỉ nghĩ đến hết giờ đi nhậu với chú A, anh B… lắm lúc trèo lên máy bay đi công tác Sài Gòn, đi nước ngoài mà không có mục đích gì cụ thể… đơn giản vì đã quá quen với cảm giác kéo cái cặp đi ra sân bay, check-in hạng VIP, lên ngồi hạng VIP và... ngủ - những người như thế, họ đã bị nhiễm căn bệnh mà người ta gọi là bệnh nghiện những hành vi mang tính biểu tượng. Biểu tượng của sự thành đạt, đại gia bắt họ phải có những hành vi như thế. Từ một khía cạnh nào đó, đã bắt đầu mất khả năng cân nhắc xem việc đang làm có cần thiết hay không – giống như một người hút thuốc lá, quen tay rút thuốc và châm lửa – nhưng nhiều khi ngẫm nghĩ kỹ ra, hình như không có nhu cầu đến thế mà nhiều khi chỉ đơn thuần là thỏa mãn thói quen vô thức.

Nguy hại nhất là những người như thế, quên mất cả việc rất quan trọng là tự mình dạy con, khoán trắng cho vợ, cho chồng, ông bà nội ngoại, thậm chí, cả người giúp việc.

Bài của Robert.De.Niro post trên Webtretho ngày 2 tháng Hai năm 2012

No comments:

Post a Comment